Nép mình dưới màu xanh rợp mát của những tán cây xà cừ cổ thụ, lặng lẽ sau con phố dài tấp nập dòng người, xe cộ là ngôi trường cổ kính mang tên nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc thế kỉ XIX: trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng.
A. Lời tựa
Nép mình dưới màu xanh rợp mát của những tán cây xà cừ cổ thụ, lặng lẽ sau con phố dài tấp nập dòng người, xe cộ là ngôi trường cổ kính mang tên nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc thế kỉ XIX: trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng.
Bên thành Cửa Bắc sáng chói truyền thống anh hùng, ven dòng Nhị Hà ngàn năm sóng vỗ, ngôi trường đã đi qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào. Tiếng trống trận hào hùng năm xưa vẫn vang vọng trong tiếng trống trường rộn rã hôm nay, thôi thúc các thế hệ học trò tiếp bước cha anh, phát huy và làm vẻ vang truyền thống ấy.
Ra đời ngay sau những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (10/3/1973), nhà trường tự hào là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh Thủ đô. Với mỗi thế hệ học sinh Phan Đình Phùng, những năm tháng được học tập bên bạn bè, thầy cô là những tháng năm hạnh phúc, trở thành kỉ niệm của một thời tuổi hồng cắp sách không thể nào quên.
Đi qua chặng đường 40 năm, ngôi trường thân yêu đã nâng cánh ước mơ cho biết bao lớp học trò. Gắn bó và trưởng thành từ mái trường Phan Đình Phùng là tên tuổi của không ít những nhà quản lí, những nghệ sĩ, doanh nhân, những nhà khoa học, kĩ sư, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân,… làm rạng rỡ truyền thống nhà trường.
Kỉ niệm 40 năm thành lập (1973 - 2013), trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng cho ra mắt cuốn kỉ yếu nhằm giới thiệu quá trình hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật trong các hoạt động dạy và học của nhà trường; những tâm tư, tình cảm của các thế hệ giáo viên, nhân viên và học sinh về mái trường thân thương đã từng gắn bó bao kỉ niệm đong đầy bên bục giảng, bên khung cửa lớp học, khung trời mộng ước năm xưa…
Với khuôn khổ hạn hẹp, khó có thể ghi lại đầy đủ những sự kiện, con người trong suốt 40 năm, dù đã cố gắng lưu lại những dấu ấn đáng nhớ song những gì đã thực hiện vẫn còn là khiêm tốn so với bề dày truyền thống của nhà trường, chúng tôi rất mong nhận được sự rộng lòng lượng thứ.
B. NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN HAI TRÍ THỨC YÊU NƯỚC
Tổng đốc HOÀNG DIỆU (1829 - 1882)
Tổng đốc Hoàng Diệu quê ở Quảng Nam, đỗ Cử nhân rồi Phó bảng, kinh qua các chức vụ tham tri bộ Hình, bộ Lại. Đầu năm 1880, ông làm tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức thượng thư bộ Binh, trực tiếp trấn thủ thành Hà Nội.
Ngày 25/8/1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân Hà Thành đã gây cho chúng những thất bại nặng nề. Nhưng trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt thì kho thuốc súng trong thành nổ tung dẫn tới những đám cháy lớn, khiến cho lòng quân hoang mang. Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn bình tĩnh lãnh đạo quân sĩ chống trả lại bọn "quỉ trắng". Khi biết không thể giữ được thành, ông vào hành cung thảo tờ di biểu rồi ra trước Võ Miếu thắt cổ trị vẫn. Quả là:
Chữ Trung còn chút con con
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây
Trời cao biển rộng đất dày
Núi Nùng sông Nhị chốn này còn ghi
(Hà Thành thất thủ chính khí ca)
Ngự sử PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847 - 1895)
Ngự sử Phan Đình Phùng quê ở Hà Tĩnh. Ngoài 20 tuổi, ông đỗ Đình Nguyên tiến sĩ làm quan tới chức Ngự sử trong triều đình Huế. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông đứng về phe chủ chiến trong triều.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông nhận chức Hiệp thống quân vụ đại thần và đứng ra tổ chức, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Đây là cuộc khởi nghĩa có qui mô lớn nhất, có trình độ tổ chức cao, chiến đấu bền bỉ, dẻo dai tới 10 năm đã gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nhất trong phong trào Cần Vương.
Sau những năm tháng chiến đấu kiên cường và gian khổ, Phan Đình Phùng lâm bệnh nặng và mất tại căn cứ nghĩa quân, hưởng thọ 49 tuổi.
Tấm lòng yêu nước của Phan Đình Phùng còn sống mãi với non sông đất nước.
C. Trường THPT Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu:
40 năm xây dựng và trưởng thành
TRƯỜNG PHAN ĐÌNH PHÙNG - HOÀNG DIỆU
(Biên niên tóm tắt)
- Nhà giáo Dương Thị Lục Hà -
I- Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng được thành lập năm 1973 .
Năm học đầu tiên trường chỉ có 16 lớp: 10 lớp 8, 6 lớp 9 (tương đương 10, 11 hiện nay). Những năm sau tăng dần, có năm tới 54 lớp.
Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Hoàng Đình Bình và các thầy cô phó hiệu trưởng là Nguyễn Ngọc Tường, Trần Thị Phượng, Dương Lục Hà, Vũ Thị Lựu, Phan Văn Hoan.
Tháng 5/1975 cô Trần Thị Phượng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 5. Sang năm 1976, 24 giáo viên của trường lần lượt được cử vào Nam hỗ trợ cho các trường vùng mới Giải phóng.
II. Thời kỳ 1977 - 1996: Hai trường Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu song song hoạt động.
Tháng 9/1977, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Diệu (học buổi chiều) dùng chung địa điểm với Trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng (học buổi sáng). Một số giáo viên và học sinh Phan Đình Phùng được chuyển sang giảng dạy và học tập tại trường Hoàng Diệu.
Suốt 19 năm sau đó, cả hai trường đã phát huy truyền thống yêu nước của hai vị anh hùng chống Pháp, đào tạo cho đất nước những thế hệ công dân đáng tự hào. Công lao đó thuộc về hai tập thể thầy cô giáo và hai Ban giám hiệu:
- Trường Hoàng Diệu: thầy Trần Quý Độ hiệu trưởng (từ 1977), thầy Phùng Đình Đăng hiệu trưởng (từ 1985) và các thầy cô phó hiệu trưởng Vũ Thị Lựu (từ 1977), Phạm Văn Hân (từ 1984).
- Trường Phan Đình Phùng: cô Trần Thị Vị hiệu trưởng (từ 1982), thầy Bùi Quốc Trung hiệu trưởng (từ 1989) và các thầy phó hiệu trưởng Nguyễn Phú Lâm (từ 1989) Trần Văn Lộc (từ 1990).
III. Thời kỳ 1996 đến nay: trường THPT Phan Đình Phùng
Năm 1996, thành phố có chủ trương sáp nhập các trường cùng địa điểm nên Trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng và Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Diệu được sáp nhập lại thành trường mới mang tên THPT Phan Đình Phùng.
Năm 1997, thầy Phùng Đình Đăng nghỉ hưu, thầy Bùi Quốc Trung tiếp tục làm hiệu trưởng đến năm 2001 thì thầy Bùi Văn Thanh kế nhiệm với các thầy cô phó hiệu trưởng: Nguyễn Tiến Hùng (từ 2000), Nguyễn Nữ Diễm Loan (từ 2000), Nguyễn Kim Phượng (từ 2001).
Ban Giám hiệu hiện nay là thầy Kiều Trung Tiến hiệu trưởng (từ 2009), phó hiệu trưởng là thầy Nguyễn Đình Quyết (từ 2007), cô Nguyễn Thi Nhâm Huyền (từ 2009), cô Nguyễn Thị Xuân Mai (từ 2009).
96 NĂM MỘT NGÔI TRƯỜNG
- Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm-
Trường Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu có diện tích 27.600m2 (mặt trông ra đường Cửa Bắc dài 230m, hai mặt trông ra đường Phan Đình Phùng và Quán Thánh rộng 120m). Khu nhà trung tâm xây 3 tầng kiên cố vào năm 1917 có sân chơi rộng thoáng, nhiều cây cao bóng cả.
Thời Pháp thuộc, đầu tiên là trường Nam Sư Phạm (École Normale d'instituteur) đào tạo giáo viên tiểu học, sau đổi là Cao đẳng tiểu học Đông Dương (École Primaire Superieur Indochinoise gọi tắt là E.P.S.I) mang tên Đỗ Hữu Vị. Thầy Nguyễn Văn Hiếu nhiều năm dạy và làm hiệu trưởng trường này. Từ đây, nhiều học sinh sau này thành danh như Trung tướng Nguyễn Hòa, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Vũ Đình Liên...
Trong thời kỳ địch tạm chiếm, trường Bưởi trở thành trại lính Pháp thì học sinh Chu Văn An trở về đây học. Khi quân ta về tiếp quản Thủ đô (1954) học sinh Chu Văn An trở về trường cũ, đây lại là trường cấp 2, 3 Nguyễn Trãi rồi sau đó còn là trường Sư phạm Trung sơ cấp (10+3, 7+3) do bà Nghiêm Chưởng Châu làm hiệu trưởng.
Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, học sinh Hà Nội đi các trường nơi sơ tán. Đến khi hiệp định Pari được ký kết, tất cả lần lượt trở về, nhiều học sinh cấp 3 không còn chỗ học. Thế là UBND Hà Nội ký quyết định thành lập trường cấp 3 Phan Đình Phùng ngày 10/3/1973. Tháng 9 năm 1977 thành phố lại quyết định thành lập trường cấp 3 Hoàng Diệu. Năm 1996 hai trường sáp nhập thành trường THPT Phan Đình Phùng như hiện nay.
Thời kỳ đầu, khu trường còn hẹp vì 1/3 phía trước là trường Sư phạm mẫu giáo, 1/3 phía sau là trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục. Đã hẹp lại hư hỏng nặng vì bom đạn, nhiều lớp học bị chiếm dụng làm nhà ở. Sân trường là kho chứa bột mỳ của Công ty lương thực.
Đến nay, ngoài tòa nhà chính tồn tại gần 100 năm, trường còn xây mới nhiều tòa nhà khác với đầy đủ tiện nghi. Sau khi trường Sư phạm mẫu giáo chuyển đi trường đã được trả lại thêm 1/3 diện tích ban đầu nên rộng thoáng hơn, ngoài cổng cũ ở 67 Cửa Bắc, trường có thêm cổng ở số 30 đường Phan Đình Phùng.
Trở về trường có 40 năm truyền thống, các cựu giáo viên và học sinh Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu đều vui mừng, tự hào và tin tưởng rằng chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ ngày một tốt đẹp hơn.
Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng được thành lập năm 1973. Tháng 9/1977, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Diệu (học buổi chiều) dùng chung địa điểm với Trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng (học buổi sáng). Một số giáo viên và học sinh Phan Đình Phùng được chuyển sang giảng dạy và học tập tại trường Hoàng Diệu. Năm 1996, thành phố có chủ trương sáp nhập các trường cùng địa điểm nên Trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng và Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Diệu được sáp nhập lại thành trường mới mang tên THPT Phan Đình Phùng.
Được Thành phố quan tâm, từ năm học 2009 - 2012 nhà trường được mở rộng diện tích từ hơn 7000m2 lên 11.685m2, với 30 phòng học, 8 phòng bộ môn, 3 phòng thí nghiệm thực hành, 2 phòng học tin học với 100 máy tính, 3 phòng nghe nhìn, 1 phòng thư viện, 1 phòng truyền thống, 1 nhà thể chất hơn 500m2. Có đủ phòng làm việc theo quy định : Phòng Hiệu trưởng, phòng Phó Hiệu trưởng, Văn phòng nhà trường, phòng họp giáo viên, phòng Công đoàn,Văn phòng Đoàn trường, Bảo vệ, Y tế, thường trực, kho… đủ và đạt chuẩn. Năm 2010, Thành phố công nhận trường đạt trường THPT chuẩn Quốc gia.
Đặc biệt, nhà trường có khu giảng đường dành riêng cho Chương trình đào tạo Quốc tế với phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm có các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
*Các thành tích nổi bật:
Tập thể:
- Huân chương lao động hạng III Nhà nước tặng năm 2003
- Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ các năm 2002, 2006.
- Bằng khen của UBND TP Hà Nội
- Bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam
- Cờ thi đua “Đơn vị tiên tiến xuất sắc tiêu biểu” do Bộ GD & ĐT tặng
- Cờ thi đua “ Đơn vị tiên tiến xuất sắc tiêu biểu” do UBND TP Hà Nội tặng
- Nhiều năm được công nhận tập thể lao động tiên tiến xuất sắc
Cá nhân:
- Nhà giáo ưu tú : 1 - Thày Nguyễn Phúc Long
- Huy chương vì sự nghiệp giáo dục: 180
- Huy chương vì sự nghiệp Công đoàn: 5
- Bằng khen của Bộ GD & ĐT : 10
- Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam: 1
- Bằng khen của UBND Thành phố : 15
- Chiến sĩ thi đua .Giáo viên giỏi cấp Thành phố : 350
- Học sinh giỏi Quốc gia: 01
- Học sinh giỏi Thành phố : 1083