Cấp tốc đổi cách học để thi kiểu mới
Dù mới bước vào năm học nhưng trước những dự kiến thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều trường phổ thông đã gấp rút tính phương án dạy và học để thích ứng với cách thi mới.
Mời giảng viên trường sư phạm huấn luyện
Những thay đổi trong cách thức và nội dung thi THPT quốc gia dự kiến trong năm 2017 khiến hầu hết phụ huynh, học sinh (HS), giáo viên (GV) các trường phổ thông như đang “ngồi trên lửa”. Vì vậy, dù mới bắt đầu năm học nhưng rất nhiều trường THPT tại TP.HCM đã họp hội đồng bộ môn, họp phụ huynh cấp tốc để bàn bạc và kịp thời điều chỉnh về cách dạy cũng như cách học của HS.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Mặc dù đã có chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học ngay từ đầu năm học này, nhưng khi có dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT thì ngay lập tức chúng tôi đã có buổi họp hội đồng GV, yêu cầu GV phải có kế hoạch chủ động thay đổi lối dạy, đề xuất cách thức tổ chức dạy và học như thế nào cho phù hợp. Đặc biệt, thời gian từ nay tới ngày thi không nhiều nên ban giám hiệu trường mạnh dạn đưa ra quyết định GV nào ngại thay đổi, không thích ứng kịp có thể điều chuyển sang mảng khác để không làm ảnh hưởng tới HS”.
Bà Thủy nói thêm, trước nay GV môn toán đã quen với cách dạy theo kiểu thi tự luận. Vậy khi đề thi chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm thì việc dạy và học cũng cần phải điều chỉnh. “Để tạo điều kiện cho GV có thể thay đổi nhanh nhất, tôi đã mời giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm dạy và thi trắc nghiệm để GV và HS học hỏi”.
Ông Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Hồng Đức, thông tin: “Trước nay nhà trường không để cho HS học lệch mà khuyến khích các em phải luôn sáng tạo. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi trong kỳ thi sắp tới trường đã tổ chức lại hội đồng bộ môn. Chúng tôi xác định rõ thi trắc nghiệm môn toán, giáo dục công dân, lịch sử, hoàn toàn khác với thi tự luận. Nếu HS học theo kiểu đọc chép sẽ khó có thể làm được bài vì đề trắc nghiệm với 4 đáp án thường na ná giống nhau, nên không có kỹ năng thì rất dễ làm sai. Chính vì thế, chúng tôi tập trung vào việc dạy kỹ năng làm toán trắc nghiệm cho HS”. Ngoài ra, trường cũng yêu cầu GV toán soạn những đề thi trắc nghiệm cho HS tập làm quen với cách làm bài thi này.
Tăng tiết môn giáo dục công dân
Song song với việc họp tổ chuyên môn, thay đổi cách dạy, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh toàn khối 12 để giải thích, trình bày phương pháp mới giúp phụ huynh, HS ổn định tâm lý.
Ông Tâm tỏ ra lo lắng khi môn giáo dục công dân trước nay chưa từng được sử dụng làm môn thi nên HS có tâm lý chủ quan cả về cách học lẫn tầm quan trọng của môn này. Chính vì thế, để có thể ôn tập tốt môn này, trường yêu cầu GV dạy theo kiểu tương tác chứ không phải đọc chép như hiện tại. Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi thái độ học tập của HS. Thay vì cho rằng đây là môn phụ, học lơ là thì nay phải học tập thật sự nghiêm túc.
Ông Tâm cho rằng thời lượng của môn giáo dục công dân chỉ 1 tiết/tuần sẽ rất khó thay đổi cách dạy và học cho HS. Chính vì thế, bắt đầu từ tuần tới, trường sẽ tăng tiết cho môn này và môn sinh học. Ông Tâm lạc quan: “Vì là trường tư thục, HS học bán trú nên chúng tôi dễ dàng chủ động trong việc sắp xếp thời gian tăng tiết cho học trò. Nếu tăng 1 tiết mà thấy chưa đủ thì chúng tôi sẽ tăng thêm”.
Tuy nhiên, với HS lớp 12 việc thay đổi này khá gấp nên các trường cố gắng tìm các phương án nhanh nhất để HS có đủ kiến thức bước vào kỳ thi. Ngoài ra, các trường cũng đồng thời thay đổi cách dạy với HS khối 10 và 11 để những năm tiếp theo HS chủ động hơn.
Trích nguồn: Báo Thanh Niên